Những hành động thách thức pháp luật ở khu đất 42 Nhà Chung

Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã xảy ra một số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến khiếu nại đòi đất có nguồn gốc tôn giáo. Cụ thể: Từ ngày 18/12/2007 đến ngày 8/1/2008, nhiều giáo sỹ, giáo dân thuộc giáo phận Hà Nội đã tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, đẩy đổ cổng sắt, đánh bị thương bảo vệ, dựng tượng, thánh giá tại khu nhà đất 42 Nhà Chung. Ngày 15/8/2008, tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, một số giáo dân giáo xứ Thái Hà đã đập phá tường rào của Công ty cổ phần may Chiến Thắng vào chiếm đất, chặt cây, đặt tượng Đức mẹ, dựng thánh giá. Linh mục giáo xứ Thái Hà và giáo dân thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp trên khu đất đã chiếm.

** Một loạt hoạt động vi phạm pháp luật

Từ cuối năm 2007 đến nay, Tòa Tổng giám mục (TGM) Hà Nội đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại khu đất 42 Nhà Chung, trong đó đỉnh điểm là lá đơn khiếu nại có nội dung thách thức chính quyền ngày 19/9/2008.

Theo hồ sơ tài liệu về nhà đất đang lưu trữ tại Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng Hà Nội, khu đất số 40a (nay là số 42) Nhà Chung trước đây có nguồn gốc tôn giáo, trong thời kỳ Pháp thuộc do Hội truyền giáo ngoại quốc (Hội thừa sai Paris) quản lý và sử dụng. Sau khi hòa bình lập lại tại miền Bắc, thực hiện chính sách cải tạo XHCN về nhà đất của Nhà nước, ngày 21/11/1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương (lúc đó là quản lý Tòa TGM Hà Nội) đã bàn giao cơ sở nhà đất số 42 Nhà Chung cho Nhà nước thống nhất quản lý. Liên tục từ đó đến nay, khu đất này được UBND quận Hoàn Kiếm quản lý, sử dụng làm trụ sở cơ quan phòng Văn hóa – Thể thao quận, Trung tâm Thể dục – Thể thao, Nhà văn hóa quận.

Từ năm 2001 đến nay, Tòa TGM Hà Nội đã gửi nhiều đơn thư kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội, UBND TP Hà Nội và các bộ ngành liên quan đề nghị trả lại khu đất 42 Nhà Chung. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Nghị quyết số 23 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI, chính quyền các cấp đã trả lời đơn kiến nghị của Tòa TGM Hà Nội với nội dung khẳng định không có cơ sở để trả lại khu đất này cho nhà thờ.

Tháng 9/2007, theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TP Hà Nội tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh – nhà thư viện, phòng đọc tại khu đất 42 Nhà Chung, cũng như xem xét giải quyết nguyện vọng xin đất của Tòa TGM Hà Nội.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/7/2008, Sở Tài nguyên – Môi trường TP Hà Nội đã có văn bản gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam hướng dẫn chi tiết về việc lập hồ sơ xin sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, sau đó giới thiệu 3 địa điểm (khu đất 1 ha tại Cổ Nhuế, Từ Liêm; khu đất 2 ha tại Phùng Khoang, Từ Liêm; khu đất gần 7.500m2 tại 67 Phó Đức Chính, quận Ba Đình) để Tòa TGM lựa chọn xây dựng công trình phục vụ mục đích tôn giáo. Tiếp đó, ngày 18/9, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hà Nội tổ chức họp thông báo quy hoạch kiến trúc của Dự án công viên cây xanh – thư viện phòng đọc phục vụ nhân dân tại khu đất 42 Nhà Chung tới đông đảo đại diện cộng đồng dân cư (có mời đại diện Tòa TGM) và các báo, đài Trung ương, địa phương. Công trình bắt đầu khởi công xây dựng vào sáng 19/9.

Tuy nhiên, Tòa TGM Hà Nội đã đáp lại hướng giải quyết đúng luật, có tình của chính quyền bằng thái độ bất hợp tác và tỏ rõ quan điểm phải đòi lại đất (chứ không xin đất) cho bằng được.

Ngày 15/12/2007, TGM Ngô Quang Kiệt phát tán lên một số trang web nước ngoài bức thư có nội dung kêu gọi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội cầu nguyện và kích động việc đòi đất tại 42 Nhà Chung. Sự việc trở nên nghiêm trọng khi vào trưa ngày 25/1/2008, Tòa TGM Hà Nội đã kích động lôi kéo khoảng 100 linh mục và hơn 1.000 giáo dân tại Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh sang khu vực 42 Nhà Chung, đẩy đổ cổng sắt, tràn vào sân, dùng búa đập phá cửa, xô xát đánh bị thương bảo vệ cơ quan, sau đó dựng một cây thánh giá cao 5m ngay trước trụ sở phòng Văn hóa – thể thao quận và một nhà bạt khung sắt để túc trực canh giữ thánh giá.

Từ ngày 14/8 đến nay, lợi dụng việc một số linh mục, giáo dân xứ Thái Hà phá tường rào, chiếm đất của Công ty may Chiến Thắng tại 178 Nguyễn Lương Bằng, Tòa TGM Hà Nội và TGM Ngô Quang Kiệt đã liên tục công khai phát tán bài phát biểu, thư hiệp thông, trực tiếp đến khu đất của công ty may Chiến Thắng để cùng linh mục, giáo dân cầu nguyện trái phép.

Ngay sau khi UBND quận Hoàn Kiếm công bố quy hoạch chi tiết kiến trúc dự án tại khu đất 42 Nhà Chung vào chiều ngày 18/9, sáng 19/9, Tòa TGM Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp do TGM Ngô Quang Kiệt ký tên phản đối việc xây dựng công viên tại khu đất. Trong đơn có nhiều nội dung xuyên tạc sự thật như: “phong tỏa Tòa TGM Hà Nội”, “sử dụng các lực lượng vũ trang để hỗ trợ cho việc phá hoại tài sản của chúng tôi”, sử dụng ngôn từ trịch thượng, tỏ thái độ coi thường pháp luật và thách thức chính quyền như “chúng tôi có quyền sử dụng những khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi” (?).

Chưa dừng lại đó, Tòa TGM Hà Nội đã bố trí loa với công suất cực lớn chĩa từ Nhà thờ Lớn sang khu đất và địa bàn dân cư bên cạnh để phát thanh nội dung đơn khiếu nại và những lời lẽ kích động khác.

Đến lúc này, có thể khẳng định, tất cả những hoạt động vi phạm pháp luật của giáo sĩ, giáo dân diễn ra tại khu đất 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng trong thời gian qua có sự xúi giục, kích động, chỉ đạo của Tòa TGM Hà Nội, trong đó có vai trò rất rõ của TGM Ngô Quang Kiệt. Thực chất, mục đích sâu xa của họ là lấy việc kích động giáo dân đòi đất ở hai khu vực này để tạo nên hiệu ứng đòi đất có nguồn gốc tôn giáo ở các nơi khác trong cả nước, gây mất ổn định, an ninh trật tự xã hội.

Trong buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và đại diện Tòa TGM Hà Nội vào trưa ngày 20/9, TGM Ngô Quang Kiệt cùng một số linh mục thân tín đã lộ rõ ý đồ đòi đất bằng mọi giá, bất chấp pháp luật khi liên tục phủ nhận, bác bỏ hiệu lực các văn bản, quy định pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam, thậm chí còn cho rằng Nghị quyết 23 của Quốc hội là “vi hiến”, rằng quy định của Hiến pháp “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, giao cho Nhà nước quản lý” là không có giá trị! Đáng buồn hơn, vào cuối buổi làm việc, ông Ngô Quang Kiệt còn phát biểu một câu khiến cho tất cả những ai có lòng tự tôn dân tộc đều cảm thấy bị xúc phạm nặng nề: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều và chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam!”.

Tuyệt đại đa số những giáo dân Việt Nam lâu nay luôn kính Chúa yêu nước, sống Phúc âm trong lòng dân tộc sẽ nghĩ gì về một một vị chủ chăn có thái độ hằn học, lạc loài như vậy đối với chính đất nước sinh ra ông ta? Một TGM như vậy liệu có còn xứng đáng để các giáo dân và giáo sĩ tin tưởng?

** Chủ trương xây dựng công trình Công viên 42 Nhà Chung là đúng đắn, hợp lòng dân

Sáng 20.9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã tiếp Tổng giám mục Giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt và các giáo sĩ. Tại đây, ông Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, chủ trương xây dựng công trình Công viên 42 Nhà Chung là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có bà con giáo dân…

Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cũng đã trả lời cụ thể 4 nội dung được đề cập trong đơn khiếu nại khẩn cấp của Tòa TGM Hà Nội. Liên quan đến vấn đề an ninh trật tự khi triển khai xây dựng tại khu vực 42 Nhà Chung, thành phố Hà Nội khẳng định không có chuyện lực lượng cảnh sát sử dụng các biện pháp để trấn áp, phong tỏa Tòa TGM Hà Nội…

Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin về nhà đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng công viên cây xanh – nhà thư viện, phòng đọc (gọi tắt là dự án công trình Công viên 42 Nhà Chung) và tình hình vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân trong thời gian qua tại khu vực 42 Nhà Chung, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ông Vũ Hồng Khanh – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Lại Hồng Khánh – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chủ trì.

Ông Vũ Hồng Khanh cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã giao UBND Q.Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình Công viên 42 Nhà Chung. Chiều 18/9/2008, UBND Q.Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã tổ chức họp thông báo quy hoạch kiến trúc của dự án này tới đông đảo đại diện cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong khu vực, đại diện cơ sở tôn giáo và nhiều giáo dân trên địa bàn (trong đó có mời đại diện Tòa TGM).

Ngày 19/9/2008, các lực lượng chức năng của TP đã tiến hành tháo dỡ hàng rào ngăn giữa khu đất tại 42 Nhà Chung và phố Nhà Chung để đưa phương tiện máy móc kỹ thuật, vật tư phục vụ tổ chức thi công công trình liên tục trong ngày, phấn đấu hoàn thành trong thời gian ngắn nhất để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Ngay sau khi UBND Q.Hoàn Kiếm tổ chức công bố quy hoạch kiến trúc dự án, chiều 18/9/2008, Tòa TGM giáo phận Hà Nội đã có đơn đề ngày 19/9/2008 khiếu nại phản đối việc xây dựng công viên cây xanh tại 42 Nhà Chung. Đặc biệt, Tòa TGM Hà Nội còn chỉ đạo bố trí loa với công suất cực lớn chĩa từ Nhà thờ Lớn sang khu đất và địa bàn dân cư khu vực để kích động giáo dân thể hiện sự coi thường pháp luật Nhà nước. Bên cạnh đó, Tòa TGM Hà Nội đã quyết định lùi buổi lễ kính Đức mẹ sầu bi từ 15/9 sang 21/9/2008 (Chủ nhật) nhằm tạo thêm thời gian huy động người để tiến hành các hoạt động tôn giáo trái phép, gây mất an ninh trật tự, gây áp lực với chính quyền.

Từ những hành động này, có thể khẳng định: Tòa TGM Hà Nội chưa từ bỏ ý định đòi lại đất, đã có sự phối hợp chặt chẽ với các giáo xứ, giáo phận ở các địa phương khác, kích động, đẩy giáo dân ra cầu nguyện trái phép, lấy việc đòi đất tại 42 Nhà Chung, giáo xứ Thái Hà để gây mất ổn định, an ninh trật tự xã hội.

Để tiếp tục thi công dự án công trình Công viên 42 Nhà Chung, ông Vũ Hồng Khanh cho biết, UBND TP Hà Nội đã giao UBND Q.Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung đôn đốc thi công công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ trong thời gian sớm nhất để phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng dân cư. Đồng thời giao Công an TP tổ chức lực lượng bảo vệ thi công an toàn, không gây tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực 42 Nhà Chung trong suốt thời gian thi công.

Ngày 21/9, UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn số 1370/UBND-TNMT về việc cảnh cáo ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục giáo phận Hà Nội.

** Dư luận bức xúc, phẫn nộ lên án phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt

Phát ngôn của ông Ngô Quang Kiệt vào sáng 20/9: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam…”, tại buổi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tiếp ông Ngô Quang Kiệt và các giáo sĩ theo đơn khiếu nại khẩn cấp, đã gây phản ứng phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân.

Bạn Tuấn Anh ở Hà Nội, e-mail: tuananh162@yaoo.com, viết: Ông Ngô Quang Kiệt có còn là công dân Việt Nam nữa hay không, khi dám bảo khi ra nước ngoài “rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Tại sao ông ta đã làm đến chức Tổng Giám mục mà còn phát ngôn như vậy?

Một bạn đọc khác đã bày tỏ: “Đất nước Việt Nam đã trải qua biết bao đau thương do chiến tranh. Trong dòng chảy lịch sử, hàng triệu người đã không tiếc máu xương, họ hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Vậy mà ông ta lại phát ngôn rằng “rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Không thể chấp nhận được một ông Tổng Giám mục lại có thể phát ngôn như vậy. Ông ta không xứng đáng là công dân Việt Nam. Một người như thế tại sao các giáo dân vẫn tin theo ?”.

Đại tá Đỗ Thế Nhân, 81 tuổi, cựu chiến binh phường Khâm Thiên, quận Đống Đa – Hà Nội (cán bộ Tiền khởi nghĩa, 46 năm phục vụ quân đội) bức xúc: Nghe phát ngôn của ông Ngô Quang Kiệt, Tổng giám mục Hà Nội nói khi ra nước ngoài ông cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt Nam, chúng tôi rất phẫn nộ vì thấy bị xúc phạm. Tôi cũng như hàng triệu chiến sĩ đồng bào đã cùng cả dân tộc chiến đấu hy sinh, giành độc lập tự do để góp phần tạo nên vị thế như ngày nay của dân tộc Việt Nam trên thế giới. Lời nói của ông Kiệt như lời nói của kẻ tội đồ trước Chúa, trước các đấng sinh thành, trước dân tộc, vì trước khi là người công giáo, ông Kiệt đã phải là người Việt Nam. Đáng lẽ ông phải tự hỏi mình đã làm gì để rạng danh Tổ quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nếu ông thấy nhục nhã là người Việt Nam thì ông không nên đứng chân trên đất nước Việt Nam nữa vì chúng tôi cũng rất xấu hổ khi thấy có những loại công dân như ông. Chúng tôi rất vui mừng thấy UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định cảnh cáo ông Kiệt với những lý do xác đáng trước những hành vi coi thường pháp luật do ông ta gây ra.

Bạn Thanh Tâm ở Lý Nam Đế, Hà Nội (e-mail: trinhthanh38@yahoo.com) bày tỏ: Phát ngôn của Tổng giám mục giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã tự làm rõ mặt thật của ông ta rồi đó. Ông đã xúc phạm vô cùng nặng nề đến mọi người Việt Nam chân chính (đương nhiên trong đó có cả giáo dân). Ai cũng có thể suy ra, lúc ông Kiệt vào trường Dòng tu nghiệp để trở thành cha cố thì hàng triệu thanh niên Việt Nam, trong đó có không ít thanh niên công giáo, đã xung phong ra mặt trận diệt đuổi quân xâm lăng, cùng toàn dân giành được nền độc lập trọn vẹn cho dân tộc. Để làm được điều đó chắc không như ông Kiệt nghĩ chỉ dễ dàng như một buổi chủ trì cầu nguyện ở nhà thờ. Vậy mà ông Kiệt lại nói vậy, nhưng ông nói thế cũng có tác dụng vì ông đã tự công khai mặt thật của ông trước bàn dân thiên hạ rồi, trước rất đông con chiên bề dưới ông có bổn phận thay chúa chăn dắt. Không biết bà con giáo dân suy nghĩ gì về bề trên khả kính của mình?

Ông Tiêu Phi Quang ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội rất bức xúc lên án: Bất luận vì lý do gì, ông Ngô Quang Kiệt khi nói “xấu hổ vì là người Việt Nam” là không thể chấp nhận được. Là một công dân đất nước Việt Nam, tôi đã được đi thăm hầu hết các chiến trường xưa và thấu hiểu sự anh dũng hi sinh của các chiến sĩ và hàng triệu người Việt Nam yêu nước khác để có cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Thử hỏi ông Ngô Quang Kiệt đã làm được gì cho đất nước này?. Ông ta ăn ở đâu ? Uống nước ở đâu ? Hít thở không khí ở đâu?. Ông có biết là làm sao ông ta được có một cuộc sống hoà bình ngày hôm nay không?. Ông thật không xứng đáng là công dân Việt Nam!. Theo tôi hiểu, bất kỳ tôn giáo nào cũng dạy con người hướng đến cái tốt, cái đẹp nhưng ông ta đã lợi dụng những điều đó để thực hiện những điều không tốt, làm hại đến khối đại đoàn kết toàn dân.

Cựu chiến binh Đại tá Đỗ Hải, 75 tuổi (18 Tăng Bạt Hổ-phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng-Hà Nội) cho rằng: Ông Ngô Quang Kiệt đã nói câu “Tôi đi nước ngoài rất nhiều, tôi rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” thật là vô trách nhiệm với Tổ quốc, không thể chấp nhận được. Không thể nào người có học như ông Kiệt, vừa là một công dân Việt Nam vừa là một chức sắc công giáo mà lại phát ngôn như vậy. Nói thế, tự ông đã đánh mất danh dự, tự hào của một công dân Việt Nam đã chiến thắng tất cả các đế quốc lớn trên thế giới. Thế giới đã phải công nhận nhân dân Việt Nam anh hùng, đất nước Việt Nam anh hùng. Hành vi coi thường pháp luật của ông Ngô Quang Kiệt mới chỉ cảnh cáo là chưa đủ răn đe, cần phải bị xử lý nghiêm hơn nữa.

** Ý kiến người dân xung quanh sự việc 42 Nhà Chung

Cho đến chiều 21/9, các giáo dân và giáo sĩ vẫn tiếp tục cầu nguyện tại khu phố Nhà Chung, làm cản trở giao thông và gây mất trật tự. Bác Nguyễn Thị Dậu, một cựu chiến binh phường Chương Dương, quận Long Biên, nói: “Những giáo dân, giáo sỹ đang đứng để hành lễ tại số 42 Nhà Chung là hoàn toàn sai, vi phạm pháp luật bởi vì thực tế mảnh đất này từ khi chúng ta đánh thực dân Pháp xâm lược thắng lợi đã thuộc về Nhà nước. Giáo sĩ đòi trả lại là điều vô lý”.

Cũng đồng tình với bác Dậu, bác Đào Đình Huấn, cựu chiến binh phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm bày tỏ bức xúc trước những hành động và lời lẽ mang đầy tính phản động của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. Bác Huấn cho biết: “Hành lễ bắc loa ở đây rất vô lý như thế là chính những người đó vi phạm phải xử lý theo pháp luật. Là một người dân chúng tôi thấy một người đáng lẽ là phải tự hào là người dân Việt Nam mà lại bảo là tôi xấu hổ khi mang quốc tịch Việt Nam, muốn mang quốc tịch nước ngoài, không thể tưởng tượng một giáo mục, một người đứng trên những giáo dân mà lại phát biểu như thế. Chúng tôi thấy rằng đấy là những người nhục nhã không đủ mang quốc tịch Việt thì mới đúng.”

Còn một người dân sống tại phố Nhà Chung, trong mấy ngày qua chứng kiến sự việc này đã rất bức xúc vì những việc làm trái pháp luật của Toà giám mục. Điều này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu phố. Bà cho rằng: “Người ta cũng không mang các thứ để bao vây toà giám mục đâu nhưng mà tôi thấy ở trong gọi loa sang sảng là công an, cơ động bao vây toà linh mục. Đất bây giờ là của Nhà nước hết kể cả có sổ đỏ nhưng mà khi Nhà nước cần chúng tôi cũng phải để Nhà nước làm”.

Việc Toà Tổng giám mục Hà Nội đòi lại đất ở số 42 phố Nhà Chung, thành phố Hà Nội và Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt phát ngôn xúc phạm đến danh dự tổ quốc, đã gây bất bình trong cộng đồng giáo dân ở tỉnh Lâm Đồng. Ông Thạch Mạnh Hùng, giáo dân thường trú tại phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nói: “Là một Tổng giám mục không nên phát ngôn thế này, vì là người Việt Nam thì ông đó không nên nói như vậy, nhất là một người Tổng Giám mục có trình độ học vấn mà phát biểu như vậy thì rõ ràng là không tốt. Rồi gây kích động giáo dân như vậy thì càng không nên. Nghe qua báo, đài thì nghe rằng chỗ đất đó làm một công trình công cộng để sử dụng chung chứ không phải là để riêng cho ai”.

Những ngày gần đây, Toà Tổng giám mục Hà Nội và chức sắc giáo xứ Thái Hà cho rằng, việc đòi đất là để sử dụng xây nhà cho sinh viên nghèo của các trường Đại học. Nhưng cái cớ này của họ bị chính các sinh viên phản đối.

Ý kiến của nhiều học sinh, sinh viên là từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước không phân biệt dân tộc, tôn giáo, luôn chăm lo đến đời sống của học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên nghèo. Bằng chứng cụ thể là chính sách miễn giảm học phí cho học sinh sinh viên nghèo, hỗ trợ tín dụng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Việc xây dựng các khu nhà cho học sinh, sinh viên phải phù hợp với quy hoạch kiến trúc đô thị của thành phố, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Tổng Giám mục Hà Nội và cá chức sắc giáo xứ Thái Hà. Vì vậy, hầu hết học sinh sinh viên là giáo dân cũng không đồng tình và không tiếp tay cho hành động sai trái của Tổng Giám mục Hà Nội và giáo xứ Thái Hà.

Một sinh viên thanh niên tình nguyện nói: “Nhìn vào số lượng các giáo dân tham gia vào việc cầu kinh, có thể là bị xúi giục thì lực lượng trẻ không nhiều, đa số là người lớn tuổi và phụ nữ. Bản thân ngay trong quận Hoàn Kiếm có nhiều học sinh sinh viên không đồng ý với việc các hành vi của Tổng Giám mục Hà Nội, đòi lại khu đất. Có rất nhiều học sinh sinh viên, công giáo xung quanh đây, khi chúng tôi gặp thì họ cũng cho rằng các hành động của Tổng Giám mục thời gian qua không đúng với pháp luật của Nhà nước”.

Rất nhiều sinh viên, thanh niên tình nguyện với tinh thần ủng hộ đã tham gia góp sức xây dựng công viên cây xanh 42 Nhà Chung nhiều ngày nay. Những sinh viên này cho biết, với những kiến thức và hiểu biết của mình, họ phản đối việc Tổng Giám mục Hà Nội có diễn văn kích động giáo dân, gây mất trật tự công cộng, giao thông và đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây cũng như của chính các giáo dân. Một nam sinh viên tình nguyện cho biết: “Cần khẳng định là đất đai là sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Do đó việc Toà Tổng giám mục đưa ra một số văn bản giấy tờ thì như thế không hợp lý. Thứ hai khi họ đòi đất để sử dụng vào mục đích gì đó thì không phải là tiếng nói chung của học sinh sinh viên. Vì nếu là tiếng nói chung của học sinh sinh viên thì lực lượng này sẽ lên tiếng ở diễn đàn của họ, không phải ở những thời điểm nhạy cảm như thế này”.

Hôm nay đã vào tuần mới, nếu tình trạng kích động giáo dân tụ tập, gây mất an ninh trật tự tiếp tục diễn ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh, sinh viên và các cháu mẫu giáo theo học tại các trường xung quanh khu vực Nhà nước Thái Hà và Phố Nhà Chung. Đó là chưa kể đến các cháu học sinh đang theo các giáo dân tụ tập quanh cá khu vực nhạy cảm này. Nếu vì lợi ích chung, Tổng giám mục Hà Nội và các chức sắc giáo xứ Thái Hà cần chấm dứt các hành động quá khứ này.

** Ông Ngô Quang Kiệt không xứng đáng làm Tổng Giám mục

Ngày 20/9, trong cuộc gặp làm việc của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và lãnh đạo một số cơ quan chức năng của thành phố với Toà Tổng Giám mục Hà Nội, vị đứng đầu Toà Giám mục Hà Nội, Ngô Quang Kiệt vẫn cho rằng, khu đất 42 Nhà Chung là của Toà Tổng Giám mục Hà Nội. Thậm chí, họ còn đòi “đưa vụ việc này ra Toà án Quốc tế” giải quyết. Phải chăng, ông Ngô Quang Kiệt muốn quốc tế hoá sự việc. Ông hy vọng gì ở đòi hỏi sai trái và rất trắng trợn này? Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 21/9 đã có bài bình luận về vấn đề này:

Ngày 19/9/2008, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN về những hành vi vi phạm pháp luật của Chánh xứ và một số linh mục ở giáo xứ Thái Hà, bà Phùng Tuệ Châu, Việt kiều ở bang California – Mỹ và là luật sư, đồng thời cũng là một người Công giáo, vừa trở về nước, đã khẳng định rằng, năm 1954, thực dân Pháp sau khi thất bại tại Việt Nam, đã phải trao trả lại chủ quyền cho Nhà nước Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, nếu trước đây, thực dân Pháp ban đặc ân cho giáo xứ Thái Hà, khu đất 174 phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội, thì kể từ thời điểm đó, khu đất đó, cũng như toàn bộ đất đai ở Việt Nam là thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Khu đất 42 Nhà chung cũng tương tự như vậy. Thế nhưng bất chấp thực tế lịch sử đó và tệ hơn nữa là, Toà TGM Hà Nội đã thách thức chính quyền, bằng việc phủ nhận, xuyên tạc tất cả các văn bản pháp lý về quản lý đất đai. Đồng thời, họ còn liên tục gửi cái gọi là thông báo khẩn cấp, tới các giáo dân ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, để mọi người được biết, hiệp thông với Tổng Giám mục Hà Nội. Thực chất của hành động này là nhằm xúi giục và kích động giáo dân tiến hành các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, để gây áp lực với chính quyền. Không những thế, kể từ khi xảy ra vụ việc ở khu đất 42 Nhà Chung, Toà TGM Hà Nội còn luôn tìm cách chính trị hoá vấn đề này.

Trong tất cả những hành động đó, người ta càng thấy rõ vai trò của ông Ngô Quang Kiệt. Phải có sự chỉ đạo, tổ chức của cá nhân ông Ngô Quang Kiệt – vị đứng đầu Tổng Giám mục Hà Nội, Toà Tổng Giiám mục Hà Nội cũng như một số giáo sĩ khác mới có thể có những hình vi vi phạm pháp luật như vậy. Trắng trợn hơn nữa, trong suốt 10 tháng qua, kể từ khi xảy ra vụ việc ở 42 Nhà Chung, Toà Tổng Giám mục Hà Nội còn luôn tìm cách chính trị hoá vấn đề này, bằng việc cố tình làm căng thẳng sự việc để xuyên tạc, vu cáo chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Cũng như việc họ đưa ra cái gọi là “Những tranh chấp ở 42 Nhà Chung phải do Toà án quốc tế xét xử”.

Toà Tổng Giám mục Hà Nội là một tổ chức tôn giáo và ông Ngô Quang Kiệt cũng chỉ là một cá nhân. Nhà nước Việt Nam – với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai, đất đai thuộc Nhà nước quản lý. Nhà nước, cũng như Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội là một bộ phận của Nhà nước, không tranh chấp và không việc gì phải tranh chấp với bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào. Phải chăng ông Ngô Quang Kiệt, hy vọng, với cái gọi là yêu cầu đó, sẽ quốc tế hoá được vụ việc ở 42 Nhà Chung, lôi kéo một số thế lực nước ngoài gây sức ép buộc Nhà nước phải đáp ứng những đòi hỏi vô lối của Toà Tổng Giám mục Hà Nội, nhằm thực hiện những mục đích cá nhân. Việt Nam là đất nước có chủ quyền và có quyền tự quyết. Cho nên, không ai, không lực lượng nào lại có thể làm được điều mà Toà Tổng Giám mục Hà Nội đang hy vọng như vậy.

Ngay hiện nay, mộng tưởng đó của Toà Tổng Giám mục Hà Nội đã phá sản. Vì trái với những lời lẽ xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, hôm qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản phúc trình thường niên 2008, về tự do tôn giáo trên thế giới, trong đó ngay phần mở đầu đã khẳng định rằng, tình trạng tự do tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nhà nước Việt Nam tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho tôn giáo phát triển, như xây mới nhiều nơi thờ tự cho tôn giáo, công nhận thêm một số Giáo hội và thêm 4 giáo phái Tin Lành được cấp phép đăng ký hoạt động.

Rõ ràng, nếu Toà Tổng Giám mục Hà Nội và cá nhân ông Ngô Quang Kiệt, cũng có cái nhìn đúng đắn và khách quan như vậy về tình hình tự do tôn giáo của đất nước, chắc chắn Tổng Giám mục Hà Nội, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Nhưng tiếc rằng, ông đã chối bỏ tất cả, cũng như ông nói: “Tôi đi nước ngoài rất nhiều, tôi rất nhục nhã khi cầm tấm hộ chiếu Việt Nam”. Trong khi hàng triệu triệu người dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để giành độc lập, để con cháu sau này được mang quốc tịch nước Việt Nam, thì ông Ngô Quang Kiệt lại có những phát biểu xúc phạm tới cả dân tộc Việt Nam như vậy. Không những thế, suốt thời gian dài qua, ông đã làm gì cho đất nước này, ngoài việc tạo cớ đòi đất, ông đã xúi giục, kích động giáo dân gây mất trật tự an ninh xã hội, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của cả cộng đồng những người Công giáo yêu nước.

Như ý kiến của bà Hải Thanh ở xã Thanh Lang, Thanh Hà, Hải Dương được báo Hà Nội mới đăng số ra ngày 21/9 rằng, ông Ngô Quang Kiệt không xứng đáng làm Tổng Giám mục, không đáng được tiếp tục giảng đạo cho giáo dân nghe…./.

G

0333393339

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI

logo
  • HỆ THỐNG CỦA CHÚNG TÔI

  • VPGD: P 215 – Nhà N6E – KĐT Trung Hòa Nhân Chính – Thanh Xuân – Hà Nội

  • Hotline: 0333393339

  • EMAIL: bacnamhn@gmail.com